Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

Sống động nét vẽ truyền thần

 (CMO) Chỉ với giấy trắng, bút chì, bột than, những bức tranh truyền thần đen trắng của chàng trai trẻ Tạ Hoàng An (23 tuổi) khiến nhiều người không rời mắt bởi sự sống động, sắc thái độc đáo và phảng phất cái hồn, thần thái của sự vật, con người được phác hoạ.

Đam mê cây cọ và bảng màu từ nhỏ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chàng cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Khái (TP Cà Mau) đã say mê tìm hiểu về nghệ thuật vẽ tranh truyền thần và các thầy cô, bạn bè trở thành “người mẫu” để An thực hiện những tác phẩm đầu tay. 



Tạ Hoàng An, chàng trai trẻ với niềm đam mê vẽ tranh truyền thần.

“Thể loại tranh này hiện nay rất ít người theo đuổi nên những tài liệu để tham khảo rất hiếm, cho nên trong quá trình học vẽ, tôi chủ yếu tìm xem những clip trên YouTube, những tác phẩm của các hoạ sĩ đi trước”, An chia sẻ.

Đúng như tên gọi tranh truyền thần, cái khó nhất của thể loại tranh này là người vẽ phải lột tả được thần thái của nhân vật. Từ ánh mắt cho đến nụ cười phải thể hiện xúc cảm thông qua ngòi bút. 

“Người ta nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, khi đưa nhân vật vào tranh cũng vậy, người vẽ phải tập trung thể hiện đôi mắt cho thật sống động, còn với nụ cười nếu mình vẽ không giống, người khác nhìn vào sẽ thấy mẫu cười giả, cười gượng”.



Một trong những tác phẩm chân dung sống động như thật của Hoàng An.

Diễn viên - MC Trấn Thành là một trong những nghệ sĩ mà An ngưỡng mộ và yêu thích, trong một lần gặp mặt An đã tặng bức tranh mình tự vẽ cho thần tượng và được anh hết lời khen ngợi, đến bây giờ bức tranh ấy vẫn còn được Trấn Thành lưu giữ ở vị trí trang trọng trong nhà. Đó cũng là một kỷ niệm thú vị trong hành trình vẽ tranh của Hoàng An.



Trấn Thành là một trong những nghệ sĩ được An vẽ nhiều nhất.

Mất 2 năm khổ luyện, trung bình mỗi bức tranh An mất 2 ngày để hoàn thành, tuy không theo đuổi con đường hoạ sĩ chuyên nghiệp nhưng đối với An, tranh truyền thần là niềm đam mê, cảm hứng trong cuộc sống. 

Từng là người mẫu để Hoàng An thực hiện những tác phẩm đầu tay, cô Nguyễn Thị Thanh Mẫn, giáo viên chủ nhiệm của An, chia sẻ: “An có năng khiếu vẽ từ lúc ngồi trên ghế nhà trường, các tác phẩm của em làm tôi rất ngạc nhiên về độ sống động, y như chụp bằng máy ảnh. Đến bây giờ tôi vẫn rất trân quý món quà cuối cấp mà cậu học trò nhỏ đã tặng tôi”./.

Nghĩa Nghĩa

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Nghệ nhân vẽ tranh truyền thần Nguyễn Bảo Nguyên

Là một trong 36 gương mặt được lựa chọn giới thiệu trong cuốn sách “Người Hà Nội”, nghệ nhân Nguyễn Bảo Nguyên bước vào nghề thật tình cờ...
201211-237
Một lần ông thả bộ dạo chơi qua phố Hàng Đào, thấy người ta vẽ truyền thần, ông thích thú đứng xem và đâm mê, ngày nào cũng đến đây để học lỏm...

Người vẽ truyền thần cuối cùng giữa Sài Gòn

21 năm trôi qua, nhiều người đã quen thuộc với hình ảnh một ông họa sĩ già lặng lẽ ngày ngày cặm cụi, tỉ mẩn với nét vẽ truyền thần đơn độc giữa lòng phố thị.

Ông ngồi bên một khoảng không gian nhỏ hẹp vừa đủ che nắng che mưa ở góc vỉa hè chật chội trên đường Điện Biên Phủ ( Q.3, TP.HCM). Ông là Từ Hoa Lợi, người vẽ truyền thần cuối cùng ở Sài Gòn.
Họa sĩ Từ Hoa Lợi say mê vẽ tranh truyền thần


Giữ hồn người qua nét cọ tài hoa
Họa sĩ Từ Hoa Lợi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1959. Sau khi ra trường ông được phân công làm việc cho Đoàn xiếc Trung ương với công việc vẽ quảng cáo cho những đoàn xiếc nhằm thu hút người xem. Khi đó, "công nghệ quảng cáo" còn lệ thuộc hoàn toàn vào đôi tay tài hoa của người nghệ sĩ nên công việc của ông chiếm vị trí trọng yếu trong việc thu hút sự chú ý của khán giả.

Vẽ truyền thần, nghề một thời vang bóng

SGTT.VN - Trong nền mỹ thuật của thế giới và cả ở Việt Nam đều có vẽ truyền thần (vẽ trực tiếp hoặc phương pháp kẻ carreaux vẽ lại từ bức tranh khác). Vẽ truyền thần còn có sơn dầu trên các chất liệu: vải, gỗ, lụa… nhưng có thể nói vẽ truyền thần đen – trắng bằng bột than trên giấy croquis là nghệ thuật độc đáo của Việt nam bởi chỉ ở Việt Nam mới có cách vẽ này.

Vẽ truyền thần không chỉ đơn thuần là “chép ảnh” mà phải truyền cho được cái thần, cái ý, cái hồn.

Nghề vẽ truyền thần phát triển vào những năm trước thập niên 50, cực thịnh từ thập niên 60 tới sau thập niên 80 của thế kỷ trước ở các thành phố miền Bắc, nhiều nhất là Hà Nội. Những con phố Hàng Ngang, Hàng Đào… dẫn vào chợ Đồng Xuân và quanh đấy các hiệu vẽ tập trung rất nhiều, thậm chí là liền kề.

Cái hay, cái tài tình của vẽ truyền thần ở chỗ, nguyên liệu và dụng cụ hành nghề vô cùng đơn giản, thường được tự chế từ những vật dụng thông dụng như que tre, bông gòn, lông thỏ, mèo làm bút, màu vẽ là muội than, cộng thêm cái kính lúp. Ấy vậy mà qua bàn tay tài hoa của các hoạ sĩ chất liệu len – lông thú – thuỷ tinh hay gốm sứ – tre lá v.v. trong bức vẽ hiện rõ mồn một. Vẽ truyền thần không chỉ đơn thuần là “chép ảnh” mà phải truyền cho được cái thần cái ý cái hồn, phông nền bo ảnh vẽ fantasy làm nổi bật khuôn mặt lên. Muốn thế, hoạ sĩ phải có cặp mắt bắt được cái thần của người trong ảnh, có cái nhìn đẹp hơn ống kính máy ảnh, bởi phía sau con mắt là trái tim thẩm mỹ.

Vẽ phác bút chì nhiều nơi kẻ ô vuông trên ảnh nhưng người Hà nội có sáng kiến dùng film cũ ngâm cho gelatin bong ra rồi dùng mũi kim kẻ carreaux, nhiều miếng có tỷ lệ khác nhau, tuỳ theo bức ảnh mẫu chọn cỡ cho phù hợp, xong đặt miếng giấy carreaux đã khoét bỏ phần giữa lên giấy croquis, cứ thế mà kẻ theo tỷ lệ… vừa nhanh và chính xác, có người thiết kế cái hộp chiếu ảnh (như phim đèn chiếu)… Sau này có máy photocopy thì phóng theo cỡ ảnh rồi “đồ lên” lại càng nhanh và rất chính xác. Thủ thuật trên chỉ giúp khi vẽ phác bút chì cho nhanh thôi còn quyết định vẫn là tay nghề hoạ sĩ. Ảnh từ chứng minh nhân dân khuôn mặt bằng cái móng tay, con mắt nhỏ bằng hạt vừng, nhưng vẽ phải giống và đẹp, khuôn mặt phải có khối chứ không đơn thuần là “có sao vẽ vậy” hoặc bị mất, mờ phần nào trong ảnh. Để được như thế phải nắm vững giải phẫu người. Hội đủ các yếu tố trên, người vẽ truyền thần phải có bàn tay cực kỳ khéo léo và sự kiên nhẫn.

Là một nghề độc đáo của Hà Nội rồi từ Hà Nội lan ra các tỉnh thành trong cả nước nhưng rất tiếc là vẽ truyền thần đang dần mai một. Ở TP.HCM giờ không còn mấy người vẽ truyền thần nữa, và tôi mỗi lần có dịp về Hà Nội, thả bộ dọc theo phố cũ nhìn lại những nơi từng lưu dấu những tiệm vẽ truyền thần vang bóng một thời mà lòng se sắt nhớ…

BÀI VÀ ẢNH: VIỆT TIẾN